Sự cách biệt trong giúp đỡ nhau giữa văn hóa vùng miền

Sự cách biệt trong giúp đỡ nhau giữa văn hóa vùng miền

Sài Gòn không khí những ngày đầu năm đang trở lại những lo toan, tất bật của công việc, phố xá xe cộ bắt đầu đông dần. Nay là mùng thứ 11, dân công sở, dân kinh doanh, giới lao động cũng đã dần bắt nhịp lại công việc sau kỳ nghỉ dài của Tết.

Chỉ còn một số cửa hàng, hàng quán vẫn còn đóng cửa do một phần của ảnh hưởng dịch bệnh – Năm nay được mọi người kỳ vọng phấn chấn khả quan hơn năm ngoái.

Vẫn ly cà phê đen quen thuộc, ngồi góc me, cái quán cũ ở nơi con phố nhộn nhịp nhất trung tâm HCM, tôi một nam Banker chánh hiệu, tuôỉ tầm trung niên, chức vị không đến nổi xoàng cũng không lấy gì làm nổi trội để tự hào khoe khoang, nhưng

Địa vị và địa thế trong lòng khách hàng của tôi gần như chiếm trọn niềm tin, và tôi gọi đó văn hóa hào sảng mà tôi muốn khoe khoang với tất cả người thân, bạn bè, hay người xa lạ nếu có dịp.

Nhưng thực tế vẫn là suy nghĩ chứ chưa có ý định thực hiện nó. Bởi vì, xác định là mình chưa đủ tầm để đạt đến ngưỡng đấy, cần phải học hỏi và bồi dưỡng thêm nhiều…



Tôi đang ngồi trò chuyện với 1 anh khách hàng cũ, gốc dân miền Trung rất chịu khó và siêng năng. Anh kể : Nhà anh có 3 anh chị em ruột, anh là con đầu, một thằng em và đứa em gái. Tất cả đều thành đạt.

Cách đây hơn 2 tháng trước Tết, anh có đặt cọc 1 căn nhà ưng ý, giá bán 6 tỷ, tiền vốn tự có sẵn 3 tỷ, thiếu hụt tiền 3 tỷ. Ngõ lời mượn tiền mấy đứa em để xoay sở vì chủ nhà cần tiền gấp trong vòng 1 tuần, anh không đủ thời gian để làm hồ sơ vay ngân hàng. 

Định mượn mấy đứa em trước rồi tiên liệu làm hồ sơ vay ngân hàng trả lại sau. Những đứa em sau khi nghe anh thỏa thuận mượn tiền, đều đồng ý giúp đỡ anh. Cậu em trai và cô em gái mỗi người ứng 1,5 tỷ cho anh mượn.

Sau khi đã thỏa thuận xong xuôi, tưởng chắc như đinh, anh đã đặt cọc bên bán 150 triệu đồng, hẹn người bán đi công chứng vào tuần sau đó. 

Đến ngày xuống tiền, cả hai người em bỗng dưng đổi ý – Không muốn cho anh mượn tiền.

Anh kể đến đây thì giọng lắng xuống, cười nhếch khóe môi nhẹ, cái cười vừa tủi, hờn, vừa xót, lẫn vừa khinh. Anh bảo :

“Nghe nực cười, tụi nó không cho anh mượn vì nghĩ anh chỉ mua nhà tầm 3 tỷ trở xuống thôi, không ngờ anh sang, mua nhà hẳn tới con số 6 tỷ, còn hơn cả giá trị nhà và tài sản của tụi nó …”

Có vẻ phi lý nhưng đó lại là câu chuyện thực tế, thoáng trong câu chuyện của anh mà tôi ngẫm về cuộc sống này, về những con người như thế này.

Tôi cũng gốc dân miền Trung như anh, cũng vào Sài thành lập nghiệp từ bàn tay trắng, bởi nhà không có điều kiện, thậm chí cũng không có nổi lấy căn nhà để ở, có thời phải bán tất cả của cãi chữa bệnh cho ba.

Trong nhà cái khổ, cái nghèo bền vững đeo bám. Nhưng bà con, thân thít ruột rà của tôi khi ấy tuy không giàu sang phú quý, nhưng nhà họ cũng thuộc tầm hàng khá giả, kinh tế họ vững hơn nhiều so với nhà tôi, vậy mà những lúc túng thiếu hỏi mượn tiền thì một đồng họ cũng không cho mượn.

Cứ thế đến sau này khi có các việc cần xoay sở liên quan đến tiền như xây nhà, cất cửa thì 1 đồng cũng rất khó mượn được từ người thân.

Ở quê tôi - xứ sở không hiếm những con người giỏi, nổi tiếng chịu khó và cần mẫn trong việc làm ăn. 

Dòng họ nhà tôi, cô gì chú bác cũng vậy, họ rất chịu khó, của cải tiền bạc được tích lũy từ việc tần tiện dành dụm, không dám ăn, không dám mặc, tiêu xài xa hoa cốt chỉ để tích lũy tài sản. 

Đó là một đức tính cũng tốt, nhưng việc giúp đỡ người khác – Đặc biệt bà con thân thích cũng keo kiệt và tiện tặn như cách họ không dám tiêu pha để tích lũy tiền.

Vì vậy khi nhà tôi khó khăn rất hiếm khi được sự giúp đỡ của người thân trong dòng họ, đặc biệt là cô, dì, chú, bác ruột  (anh/chị/em ruột của ba và mẹ tôi) – Những người mà thời điểm đấy họ khá giả hơn so với nhà tôi.

Thấy được điều đó nên ba mẹ tôi khuyên các anh em tôi đứa lớn dìu dắt đứa nhỏ, dù có việc gì thì cũng phải cố gắng lây lất, đùm bọc lẫn nhau. Gia đình tôi đều gắng nuôi tôi lớn đến khi tốt nghiệp lớp 12, còn lại khi học đại học mọi thứ tôi phải tự thân vận động, tự vay vốn sinh viên để theo học, tự làm thêm để trang trãi chi phí.

Cũng may đất Sài thành không kén chọn việc làm, bạn có thể lựa chọn làm nhiều nghề để kiếm tiền, miễn bạn muốn kiếm tiền: Phục vụ, dạy thêm, xe ôm,… tôi đã từng.



Trở về câu chuyện anh khách hàng, trong câu chuyện anh khách hàng tôi lại mường tượng hình ảnh của tôi ngày đó : Lúc đó tôi thiếu tiền đóng tiền học, nên mượn cậu ruột của mình vậy mà cũng không nhận lấy được sự giúp đỡ từ cậu.

Và hình ảnh của tôi ngày đó lại gợi lên một nỗi niềm chung giữa tôi và anh - Sự tương quan giữa hai người (tôi và anh khách hàng đang trò chuyện) mặc dù không có sự liên quan hay gắn kết gì trong câu chuyện của cả hai phía, nhưng điều mà tôi thấy được trong câu chuyện đó là :

Dường như có điểm chung gợi lên sự tương thích trong văn hóa vùng miền về quy tắc ứng xử giúp đỡ, đùm bọc nâng đỡ nhau, chung quy tôi chiêm nghiệm ra được đó là đại đa số người dân miền Trung chúng tôi có lẽ vì quá khổ, nên mỗi gia đình đều sống theo kiểu mạnh ai nấy sống, vì vậy nên thành tích trong Gia tộc và cả dòng họ không có gì nổi trội hơn người. 

Nghe có vẻ hơi hướng quan điểm cá nhân, nhưng đó là thực tế những gì tôi thấy được.

Cùng lắm người dân quê tôi có thoát khỏi cái nghèo bền vững nhưng chỉ giới hạn về mặt thiểu số, một người hoặc một nhà, nói chung chỉ cá thể, chứ không được khuyếch trương nổi trội như cả dòng, cả họ, cả gia tộc đều khá, đều giàu như đại đa số người dân miền Bắc vào Nam lập nghiệp, hoặc những người Việt gốc Hoa.

Thực tế nói ở đâu xa, tôi là dân banker mảng chính cho vay. Khách hàng của tôi rất đa dạng về văn hóa vùng miền. 

Có lần tôi làm việc với một Cô Chú khách hàng ngành bún dân gốc Nam Định. Khi hoàn tất khoản vay của cô chú xong thì thấy tôi uy tín, làm việc nhanh gọn nên cô chú giới thiệu thêm khách vay.

Điều bất ngờ lớn nhất của tôi khi làm hồ sơ khoản vay tiếp theo cho những khách hàng mà cô chú giới thiệu: Đó chính là họ đều là bà con, anh, em, dòng họ của cô chú. Cô chú Nam tiến lập nghiệp trước, sau đó kinh tế ổn, phất nên lôi kéo anh, chị, em vào cùng làm.

Đưá lớn kéo đứa nhỏ, đứa nào chưa có kinh nghiệm thì làm thuê, phụ cho đứa lớn học nghề, sau có vốn thì mở ra thêm kinh doanh, và điều quan trọng nhất : “Nếu thiếu tiền mở vốn thì tao cho bây mượn”…

Thậm chí “tao không có tiền cho bây mượn, thì tao cũng có thể thế tài sản nhà tao cho bây mượn”.

Có lần tôi làm hồ sơ cho cô chú vay thế chấp nhà, bão lãnh cho đứa cháu ruột buôn bán ngành bún như cô chú, mới lập nghiệp nhưng cũng thành công nên có tí vốn muốn mua nhà. Vậy là cô chú đứng ra bão lãnh cho 2 vợ chồng đứa cháu.

Khi hoàn tất hồ sơ xong xuôi, công chứng đầy đủ chỉ chờ ngày ngân hàng giải ngân thì đứa cháu gọi điện lên báo “cháu có tiền rồi, không muốn mượn nữa”.

Cô chú ậm ừ rồi nói vài câu : “uổng công mình chuẩn bị hồ sơ cho nó, tốn phí định giá, tốn thời gian vậy mà nó không vay nó hủy !”. Tôi cũng cười trừ, lòng lại thấynể phục họ sát đất. 

Câu chuyện về cô chú, câu chuyện về anh khách hàng đang trò chuyện có nhiều cái đọng lại trong lòng, mà tôi phải ngẫm, phải thấm rất nhiều về bài học thực tế ở đời.

Và tất cả đã đi qua, tôi hiện giờ đã là 1 Banker hơn 10 năm lăn lộn trong nghề chính hiệu, nhà không vay mượn được người thân để mua nhà nhưng cũng tự thân mua được nhà khi có hỗ trợ của ngân hàng, cũng đang yên lành với gia đình bé nhỏ của riêng mình.

Tuy chưa khá giả bằng ai nhưng tự hào đã giúp đỡ được gia đình mình, lo lắng phụng dưỡng cho ba mẹ mình, giúp đỡ anh chị em ruột của mình.

Đã đến lúc tôi nghĩ đời tôi đã thế thì đời con tôi phải khác, cái gì tốt mình thấy được thì mình học theo thôi…

Ngẫm !!! ly cà phê đen vẫn còn đen, và đời có nhiều cái đen trắng lẫn lộn nữa, từ từ rồi cũng thấm !

Trích : “Nhật ký chuyện nghề ngân hàng” – Tâm sự của một Banker.

Tác giả : Minh Minh

Nhận xét

Bài đăng phổ biến