Bản thiết kế công việc nào phù hợp với bạn ?


Có một hiện tượng đặc biệt làm dấy nên làn sóng chung của giới trẻ hiện nay, đó là hiện tượng “chán việc”, thường xuyên nhảy việc.

Chán nản trong công việc có nhiều nguyên nhân, nhưng chung quy lại nội dung chán chỉ quẩn quanh những trường hợp như sau :

  • Thứ nhất : Chán môi trường làm việc (chán sếp, bất đồng quan điểm với sếp, đồng nghiệp chia bè phái,..).
  • Thứ hai : Chán không tìm thấy niềm vui trong công việc (áp lực doanh số, công việc thường xuyên đi công tác, công việc quá nhàm chán,..)
  • Thứ 3 : Lương thấp không có động lực làm việc.

Chính vì những nguyên nhân gây nên sự chán nản này, mà giới trẻ liên tục nhảy việc, để đi tìm hướng đi mới, để tìm môi trường mới, rồi tìm mức lương thưởng hấp dẫn hơn, nhưng bao giờ cũng vậy.

Lúc đầu nhập cuộc ở môi trường mới rất hào hứng, sau khi nhập cuộc rồi thì chung quy lại vẫn là chữ “nhàm chán”. 

Mấy ai trong số đông đã từng can đảm, thẳng thắn nhìn nhận với chính mình rằng “tôi chưa lần nào thấy nhàm chán với công việc của mình ?” – Chỉ là thẳng thắn tự suy nghĩ chứ chưa nói đến ca thán, than vãn với người khác nhé.

Vậy thì đã bao giờ bạn tự hỏi với chính mình rằng : Công việc nào sẽ phù hợp với tôi hay bản thiết kế công việc nào sẽ dành riêng cho bạn ?

Và nếu như một công việc đáp ứng đầy đủ 3 yếu tố trên được bộ phận nhân sự mô tả để nội dung tuyển dụng hấp dẫn người tìm việc như : Môi trường thân thiện, lương thưởng cao, không áp lực, sếp dễ tính. 

Vậy là bạn nghĩ ngay công việc này phù hợp với bạn, bạn sẽ cho rằng đây là bản thiết kế công việc hoàn hảo với bạn, bạn sẽ vào làm ngay chứ !

Vâng – Tôi dám chắc với bạn rằng, nếu bạn có suy nghĩ trên, thì chắc chắn một điều rằng : Mãi mãi không bao giờ bạn tìm thấy “bản thiết kế công việc” phù hợp với chính mình.

Bản thiết kế công việc phù hợp với bạn nằm ở đâu ?

Câu trả lời thật sự giản đơn, ngay chính công việc thường nhật mà bạn vẫn làm thường ngày, từ gia đình cho đến môi trường công sở, từ việc nhỏ nhặt như chăm sóc con cái, nấu ăn, làm chuyện việc vặt sếp giao sửa máy photo, in tài liệu,…, cho đến đảm nhiệm vị trí quan trọng gắn nhiều trọng trách, nhiều trách nhiệm, hoặc những công việc không liên quan đến lợi ích của bạn nhưng bạn bắt buộc phải hoàn thành nó thay người khác chỉ vì lợi ích của cả tập thể.

Cho dù bất cứ công việc gì đi chăng nữa, hễ bạn đặt “cái tâm” và sự “cảm nhận” đặc biệt về nó, dù đó là một sự trãi nghiệm tồi tệ hay thất bại, nhưng khi bạn đã  đặt ý chí để hoàn thành nó, dồn mọi sức lực để cố gắng làm cho bằng được, mục tiêu hoàn thành tốt bằng mọi giá, kết quả có tốt đẹp hay không được như ý nguyện nhưng một khi đã dồn hết cái tâm vào thì khi đó bạn sẽ nhận ra được sự phù hợp của mình ở vai trò nào, vị trí nào và kỹ năng gì bạn có thể làm tốt nhất.

Để từ đó bạn mới nhận biết được giá trị của chính mình nằm ở đâu, và kỹ năng cho công việc nào mình sẽ phát huy và làm chủ tốt.

“Thành công không phải là đích đến cuối cùng mà là cảm giác trãi qua từng chặn đường của sự thất bại mà khi đó bạn đúc kết ra được bài học kinh nghiệm cho những trãi nghiệm thất bại đó”.

Vì vậy đừng nản hay chán, hãy thử hết sức mình bằng cái “tâm” dù chỉ một lần.

Để tìm ra được bản thiết kế phù hợp với năng lực của bạn, thì không bao giờ “đi tắt”. Cứ đi từ từ, cảm nhận và trãi nghiệm, từ những việc nhỏ nhặt nhất cho đến công việc phức tạp nhất.


May mắn hay đi “tắt”không bao giờ giúp bạn tìm thấy bản thiết kế phù hợp với mình cả.

Lần gần đây có bạn hỏi tôi rằng, làm cách nào mà tôi có thể content nhiều vô số chủ đề, rồi lấy đâu ra ý tưởng để viết mà không nhàm chán, tôi chỉ trả lời rằng tuy trãi qua nhiều công việc khác nhau, nhưng đối với tôi, chất xúc tác mãnh liệt nhất đến từ công việc của một người bán hàng.

Tôi kém duyên và thiếu may mắn trong việc bán hàng, nhưng tôi lại có duyên tạo động lực và hỗ trợ những người cộng sự với tôi cùng bán hàng thành công như tôi, một trong những nguyên nhân tạo nên thành quả tốt đẹp này đó là sự kiên trì trong công việc, chấp nhận thất bại rồi sửa sai.

Và cũng rất lấy làm tự hào khi tôi nói với bạn rằng, trong các công việc mà tôi từng làm, tôi vẫn tự hào nhất đó là công việc bán hàng. Bởi vì những lý do sau :

  • Có được cơ hội tiếp xúc với rất nhiều người, mỗi người là một tâm lý, sắc thái khác nhau, sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm sống và kiến thức xã hội.
  • Khi tôi bán hàng, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của tôi không ở đâu xa mà ngay chính đồng nghiệp cùng phòng với tôi, tuy nhiên nếu tôi đã học được cách “đắc nhân tâm” để giao tiếp, thì thật sự họ sẽ trở thành cộng sự đắc lực cho tôi để cả tập thể cùng phát triển.
  • Và cuối cùng, khác với việc bạn đang bán món hàng mà ai cũng muốn mua, sản phẩm có thương hiệu dễ bán là điều quá dễ dàng, nhưng khi tôi bán thành công một món hàng mà không ai muốn mua nó, đồng nghĩa với việc tôi đã “thành công”, những quá trình nhỏ nhặt đi đến sự thành công ấy, những cách thức để bán cho bằng được món hàng ấy là những trãi nghiệm tuyệt vời, là kiến thức quý báu là chất xúc tác lớn nhất phát triển thêm cho vốn “kỹ năng hiện tại” mà tôi có được.

Sau khi đã tích lũy kỹ năng của mình thì tôi tự tin rằng mình đã phát họa thành công bản thiết kế công việc cho riêng cá nhân tôi, mặc dù tôi đã tìm thấy bản thiết kế công việc của mình khá lâu trước đó nhưng còn rất sơ sài.

Không quá ảo tưởng vào sức mạnh nội tại của mình hoặc thiết kế một bản công việc quá xa vời với năng lực

Tôi đã từng nhảy việc rất nhiều vị trí với những công việc khác nhau hoàn toàn. Nhưng với tôi, cái mong muốn không phải là một công việc phù hợp với bản thân, mà là một công việc với những sự trãi nghiệm quý giá, mang lại kinh nghiệm quý báu để đi đến cái đích cuối cùng : Phát họa và kiến tạo thành công bản thiết kế công việc cho riêng tôi.

Có vẻ thật sự hơi ngược nhưng đó là mục tiêu của cá nhân tôi, kể từ khi bước chân đi làm.

Tôi chỉ có một kỹ năng duy nhất mà tôi có thể làm tốt đó là “kỹ năng viết” hay nói đúng hơn là “kỹ năng viết lách”, những kỹ năng còn lại có thể sử dụng tạm ổn hoặc phải trau dồi, mài dũa cho tốt nhưng cũng không hẳn là dùng tốt nhất.

Nhưng số phận và cơ duyên lại mang tôi đến với nghề làm quen với những con số thay vì những nghề phù hợp với kỹ năng như biên tập viên, làm truyền thông, hoặc Marketing.

Có lẽ trước đây tôi đã từng thất bại khi đầu quân cho một công ty truyền thông lớn ngay khi vừa tốt nghiệp, tuy nhiên quyết tâm ngày ấy vẫn còn cho nên dù khi đã chuyển hướng sang hẳn làm công việc khác hoàn toàn kỹ năng, tuy chỉ liên quan đến những con số, nhưng không lúc nào ép buộc tôi phải dừng lại việc phát triển kỹ năng của mình, tôi vẫn luôn trong trạng thái khát khao sẽ tìm một thời điểm thích hợp để phát triển tốt kỹ năng này. 

Tờ trình, soạn thảo văn bản quy định chính sách, hay báo cáo…làm sao cho hợp tính logic và nội dung hài hòa, báo cáo lấy số liệu ở đâu thuyết phục người đọc, nói chung những công việc gì liên quan đến kỹ năng viết, tôi có thể làm rất tốt.

Phần còn lại đó là sự trãi nghiệm trong công việc, hay nói đúng hơn tôi cần tìm “chất xúc tác” để làm “content”, chính vì điều này đã thôi thúc tôi cần tìm cách để được trãi nghiệm nhiều vị trí công việc khác nhau.

Và cho đến giờ phút này, tôi vẫn nghĩ rằng mình đã đi đúng hướng. Nếu như ngay từ đầu tôi lựa chọn ngay công việc chưa phù hợp với hoặc quá xa với bản thân lúc đó (biên tập viên tại công ty truyền thông), thì có lẽ tôi đã đau đớn khi thất bại thảm hại.


Văn hóa chia sẻ trong công việc

Có lần tôi trò chuyện với cộng sự với mình trong mảng quản trị website, khi tôi hỏi lý do làm sao em không đưa nội dung này lên website mặc dù nội dung này rất hữu ích.

Cộng sự của tôi khi ấy đáp lại đơn giản rằng : “Nội dung này là kiến thức và kinh nghiệm quý của em đó, em phải trãi qua một quá trình mới đúc kết được, làm sao dễ dàng chia sẻ được chị ạ”.

Tôi khi ấy chỉ nhẹ nhàng : “Thế gần đây chị rất ít thấy bài viết của em, em có vấn đề gì à ?”

Cậu ấy vẫn hồn nhiên đáp : “Em đang bị bí ý tưởng chị ạ”.

Tôi vẫn bình tĩnh :

Em có biết được rằng kiến thức là một kho báu không hề có giới hạn tuy nhiên não bộ con người luôn luôn có giới hạn, vì vậy khi em chia sẻ nó đồng nghĩa với việc em đang giải phóng cái em hiện có và sẽ có chỗ trống để em dung nạp kiến thức mới

…“Sẽ chẳng dễ dàng gì khi em nhồi nhét và tiếp thu một mớ kiến thức vượt xa khả năng hiểu biết của mình, tuy nhiên khi em chia sẻ sự nhận thức vấn đề đó với người khác em sẽ nhớ lâu hơn so với việc em cố học cố nhớ cho bằng được”.

Quả thực văn hóa chia sẻ trong công việc cũng giống như câu chuyện tôi chia sẻ về những gì tôi biết sẽ tạo nên giá trị khiến tôi nhớ lâu hơn, nhớ một cách tự nhiên hơn mà không cần phải học thuộc lòng theo sách vở, hơn nữa khi tôi chia sẻ thì điều trước mắt giúp tôi có được đó là “nhận lại được sự chia sẻ ngược lại” từ bạn.

Những “sự chia sẻ ngược lại” này đó là việc bạn góp ý sửa sai cho tôi, bạn bổ sung thêm kiến thức mới cho tôi, hoặc bạn sẽ sẵn sàng chia sẻ thêm cho tôi những vấn đề mới mà tôi hoàn toàn chưa biết, 

Hoặc ngay cả đối thủ tôi, thì đối với tôi nếu tôi chia sẻ tôi cũng sẽ nhận lại được nhiều sự chia sẻ từ họ nếu như tôi đem kiến thức và kinh nghiệm của mình ra chia sẻ - Điều mà không bao giờ tôi cho là vô bổ mà luôn luôn có ích hoặc cực kỳ hữu ích. 

Có vẻ hơi khó hiểu nhưng tôi sẽ hình dung một cách đơn giản để bạn hiểu đó là : Tôi có một ý tưởng về một sản phẩm độc đáo trên thị trường. Nhưng khi tôi đưa phiên bản thử nghiệm này ra thị trường để thăm dò và đánh giá, thì tôi nhận lại được những phiên bản nhái hoàn hảo của đối thủ cũng làm sản phẩm tương tự giống như tôi. Vài hôm sau, tôi thử sử dụng sản phẩm của đối thủ để đánh giá chất lượng cũng như cải tiến sản phẩm của mình, thứ tôi nhận lại được là một sản phẩm thật sự hoàn hảo chính thức do tôi sáng tạo ra đời, bỏ qua giai đoạn thử nghiệm vì đối thủ đã làm giai đoạn đó thay cho tôi. 

Vâng đó chính là điều kỳ diệu đã tạo nên từ văn hóa chia sẻ, bạn sẽ là phiên bản duy nhất hoàn hảo – Khách hàng sẽ cảm nhận và đánh giá điều đó, vì vậy đừng ích kỷ hay giữ cho riêng mình, bạn sẽ luôn trong trạng thái giới hạn nếu không chia sẻ.

“Bắt đầu với một công việc sớm với bản thiết kế phù hợp bản thân hay bắt đầu muộn đều như nhau. Quan trọng là bạn sẽ duy trì nó được trong thời gian bao lâu”

Chúc bạn tìm thấy bản thiết kế công việc phù hợp cho mình.

Viết – Để cho những ai đang chán nản tìm thấy niềm vui và sự yêu thích trong công việc. Chúc bạn thành công !

Tác giả : Minh Minh – Nhật ký chuyện nghề ngân hàng

Nhận xét

Bài đăng phổ biến